Phương pháp luận nghiên cứu của xã hội học Émile_Durkheim

Đối tượng nghiên cứu của khoa học xã hội học là các sự kiện xã hội (social facts). Khái niệm sự kiện xã hội được hiểu theo hai nghĩa:

  1. Sự kiện xã hội vật chất: nhóm, dân cư và tổ chức xã hội;
  2. Sự kiện xã hội phi vật chất: hệ thống giá trị, chuẩn mực, phong tục, tập quán xã hội. Sự kiện phi vật chất gồm cả các sự kiện đạo đức (moral facts), tức là các cách thức hành động, suy nghĩ và trải nghiệm.

Nội dung khái niệm xã hội có thể gây ra sự hiểu lầm rằng đối tượng nghiên cứu của xã hội học rất giống với tâm lý học vì nói tới các khía cạnh khác nhau của hành vi con người như hành động, tư duy và tình cảm. Để tránh hiểu lầm, Durkheim luôn nhấn mạnh yếu tố "xã hội" của đối tượng nghiên cứu của xã hội học.

Đặc trưng cơ bản

Theo Durkheim, các sự kiện xã hội có ba đặc trưng cơ bản:

  1. Thứ nhất, sự kiện xã hội phải là những gì ở bên ngoài cá nhân. Điều này thể hiện ở chỗ các cá nhân không chỉ sinh ra trong môi trường đã có sẵn các sự kiện như thiết chế, cơ cấu xã hội, chuẩn mực, giá trị, niềm tin v.v... Không những thế, các cá nhân còn phải học tập, tiếp thu, chia sẻ và tuân thủ các chuẩn mực giá trị..., tức là các sự kiện xã hội. Ngay cả khi các cá nhân tích cực, chủ động tạo dựng ra các thành phần của cơ cấu xã hội, các chuẩn mực giá trị, các quy tắc xã hội..., thì tất cả những cái đó đều có thể trở thành các sự kiện xã hội, tức là trở thành hiện thực bên ngoài cá nhân.
  2. Thứ hai, các sự kiện xã hội bao giờ cũng là chung đối với nhiều cá nhân, nghĩa là được cộng đồng xã hội chia sẻ, chấp nhận.
  3. Thứ ba, sự kiện xã hội bao giờ cũng có sức mạnh kiểm soát, hạn chế, cưỡng chế hành động và hành vi của các cá nhân. Trong xã hội có những quy định, những giới hạn, nếu vi phạm thì bị trừng phạt. Các điều khoản luật là những ví dụ rất rõ về đặc trưng điều này của sự kiện xã hội.

Các nhóm quy tắc

Mặc dù sự kiện xã hội tồn tại ở bên ngoài cá nhân, chung cho cả xã hội, nhưng lại có khả năng kiểm soát, cưỡng chế hành động từ bên trong mỗi cá nhân. Xã hội học có hệ thống phương pháp luận với các quy tắc, quan điểm và các phương pháp nghiên cứu cụ thể. Durkheim chỉ ra năm loại nhóm quy tắc cần áp dụng trong nghiên cứu xã hội học, cụ thể:

  1. Nhóm quy tắc thứ nhất, đòi hỏi khi quan sát sự kiện xã hội, nhà xã hội học phải loại bỏ các thành kiến của cá nhân, phải xác định rõ hiện tượng nghiên cứu, phải tìm ra các chỉ báo thực nghiệm của hiện tượng nghiên cứu. Quy tắc này chỉ rõ, coi sự kiện xã hội như là "sự vật", tức là tồn tại ở bên ngoài, khách quan, có thể quan sát được, thì mới có thể sử dụng được các phương pháp thực chứng để nghiên cứu các đặc điểm, tính chất và quy luật của sự kiện xã hội. Hơn nữa, chỉ khi nào nghiên cứu các hiện tượng xã hội như niềm tin, chuẩn mực, đạo đức với tư cách là các sự vật đặc biệt trong hiện thực khách quan, xã hội học mới không bị quy về tâm lý học cá nhân. Từ đó, có quy tắc giải thích "ngang cấp" - giải thích hiện tượng xã hội này bằng hiện tượng xã hội khác.
  2. Nhóm quy tắc thứ hai, đòi hỏi nhà nghiên cứu xã hội học phải phân biệt được cái chuẩn mực, cái "bình thường" với cái dị biệt, cái "không bình thường" vì mục tiêu sâu xa của khoa học xã hội học là tạo dựng và chỉ ra những gì là mẫu mực, tốt lành cho cuộc sống của con người. Cách tốt nhất để xác định cái chuẩn mực, cái bình thường là phát hiện ra cái thường gặp, cái chung, cái trung bình, cái điển hình của xã hội cụ thể trong giai đoạn phát triển lịch sử nhất định. Căn cứ vào đó, có thể coi tất cả những gì lệch chuẩn khác với cái chung là dị biệt, là không bình thường.
  3. Nhóm quy tắc thứ ba, liên quan tới việc phân loại các xã hội để hiểu tiến trình phát triển xã hội. Durkheim cho rằng cần phân loại xã hội dựa vào bản chất và số lượng các thành phần cấu thành nên xã hội, cũng như cần căn cứ vào phương thức, cơ chế, hình thức kết hợp các thành phần đó.
  4. Nhóm quy tắc thứ tư, đòi hỏi khi giải thích các hiện tượng xã hội, cần phải phân biệt nguyên nhân "hiệu quả", tức là nguyên nhân gây ra hiện tượng với chức năng mà hiện tượng thực hiện. Theo Durkheim, nghiên cứu xã hội học có hai nhiệm vụ:
    • Nhiệm vụ thứ nhất, là chỉ ra điều kiện, yếu tố và nguyên nhân gây hiện tượng xã hội;
    • Nhiệm vụ thứ hai, là phân tích chức năng, hệ quả của hiện tượng xã hội đối với cả hệ thống xã hội, bối cảnh xã hội mà hiện tượng đó diễn ra. Đây là một trong những quy tắc làm cơ sở phát triển trường phái chức năng luận trong xã hội học.
  5. Nhóm quy tắc thứ năm, là các quy tắc chứng minh xã hội học.
    • Thứ nhất, quy tắc này đòi hỏi phải so sánh hai hay nhiều hơn các xã hội để xem liệu một sự kiện đã cho trong một xã hội mà không hiện diện trong xã hội khác có gây ra sự khác biệt nào trong các xã hội đó không;
    • Thứ hai, có thể áp dụng quy tắc chứng minh "biến thiên tương" như trong nghiên cứu xã hội; nếu hai sự kiện tương quan với nhau và một trong hai sự kiện đó được coi là nguyên nhân gây ra sự kiện kia, và trong khi các sự kiện khác cũng có thể là nguyên nhân nhưng không thể loại trừ được mối tương quan giữa hai sự kiện này thì cách giải thích nhân quả như vậy có thể coi là "đã được chứng minh".

Các phương pháp luận nêu trên đã được Durkheim vận dụng trong tất cả các công trình nghiên cứu của ông về phân công lao động, về tôn giáo, về hội nhập xã hội, v.v... Vì vậy, ngày nay các nhà xã hội học hiện đại tìm thấy ở xã hội học của Durkheim những mẫu mực về nghiên cứu xã hội học thực nghiệm.